Xuất phát từ tầm quan trọng này, trên cơ sở những quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, những năm gần đây, trong định hướng chương trình công tác thanh tra hàng năm, Thanh tra Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành là phải tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua thanh tra cũng như việc xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân có vi phạm. Trong năm 2012, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả đôn đốc xử lý sau thanh tra như: Xây dựng, hoàn thiện bộ máy; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho hoạt động đôn đốc và xử lý sau thanh tra nên kết quả có nhiều chuyển biến hơn các năm trước. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ thu hồi sau thanh tra tại Thanh tra Chính phủ đạt trên 70%, tại các điạ phương, bộ, ngành đạt thấp hơn khoảng 40%.
Để bước đầu tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, ngày 12/3/2013, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-TTCP quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và mỗi nơi có những cách làm khác nhau. Tại Hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với Thanh tra Chính phủ về một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, quy định của pháp luật về Thanh tra còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra, nhất là chưa có các văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục, xử lý sau thanh tra.
Thứ hai, pháp luật hiện hành chưa xác định rõ một cơ quan chuyên trách có trách nhiệm thực hiện, thi hành kết luận thanh tra, tương tự như cơ quan thi hành án để thi hành các Bản án, quyết định của Tòa án có cơ quan Thi hành án thi hành…;
Thứ ba, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ trực tiếp tham gia các Đoàn thanh tra còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng khi ban hành kết luận thanh tra. Một số kết luận thanh tra tính khả thi chưa cao, thiếu căn cứ; kiến nghị còn chung chung chưa chỉ được cụ thể những tập thể, cá nhân có vi phạm, chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện việc xử lý sau thanh tra.
Thứ tư, trong một thời gian tương đối dài, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở một số cấp từ bộ, ngành tới địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kiến nghị xử lý sau thanh tra không nghiêm, nhất là việc thu hồi tiền, tài sản và xử lý cán bộ có vi phạm phát hiện qua thanh tra.
Thứ năm, do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân bị xử lý còn hạn chế. Có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Nhưng cũng có những trường hợp đối tượng gây thất thoát không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thanh tra thu hồi hoặc xử phạt vi phạm.
Thứ sáu, trong thời gian qua, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và những tác động của suy thoái phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam mà trực tiếp là hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế (trong đó có đối tượng được thanh tra), đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan khiến đối tượng thanh tra chậm hoặc không có khả năng thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra.
Từ việc phân tích nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập, hạn chế trong công tác xử lý sau thanh tra, các đại biểu đã đưa ra nhiều kinh nghiệm về công tác này ở các đại phương, bộ, ngành như: Kiện toàn hoạt động của bộ phận xử lý sau thanh tra; gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra cũng như vai trò của lãnh đạo thanh tra tỉnh, bộ, ngành với công tác xử lý sau thanh tra; tham mưu cho cấp ủy có văn bản lãnh đạo công tác xử lý sau thanh tra đối với các cấp ủy đảng và chính quyền; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra với những biện pháp cụ thể như: Việc lập các Biên bản trong quá trình thanh tra phải chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, cứ căn cứ để phục vụ trong quá trình kết luận;. việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra phải đảm bảo chất lượng cao; phải nhận xét đúng, sai so với quy định của pháp luật nào; đồng thời phải đề xuất, kiến nghị đúng quy định của pháp luật, có tình, có lý, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi; mặt khác, đoàn thanh tra cũng phải chú ý, xem xét, lắng nghe đến ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra và của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là những ý kiến tham gia của các ngành có chuyên môn sâu; kết luận thanh tra phải đảm bảo sự chính xác, khách quan, tránh sự áp đặt, miễn cưỡng; kiến nghị phải đúng quy định của pháp luật và có tính khả thi; nội dung kiến nghị phải nêu rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện và thời hạn thực hiện…
Kết luận hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định, ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu hết sức thẳng thắn, cởi mở, thể hiện tinh thần trách nhiệm với một hoạt động rất phức tạp, khó khăn trong công tác thanh tra. Các ý kiến này sẽ là những kinh nghiệm quý báu để nhân rộng, phổ biến trong toàn ngành Thanh tra. Đồng thời, các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị cũng sẽ là cơ sở để hoàn thiện cơ chế, pháp luật trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu hoạt động thanh tra trong điều kiện hiện nay. Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh vị trí và vai trò hết sức quan trọng của công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra. Trong thời gian tới, công tác này cần được coi trọng hơn nữa bằng những kế hoạch hoạt động cụ thể, tăng cường theo dõi sát sao, đôn đốc kịp thời, kiểm tra và chỉ đạo việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đóng góp những kinh nghiệm sâu sắc, thiết thực hơn để nhân rộng, phổ biến trong toàn ngành. Thanh tra Chính phủ sẽ quan tâm tới công tác tổng kết, xây dựng hoàn thiện thể chế để tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động đôn đốc, xử lý sau thanh tra được thuận lợi hơn nữa.
Hội nghị triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2014
Chủ nhật, 06 Tháng 4 2014 02:31 Đặng Phong
Ngày 19/2, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2014 khu vực I (từ Đà Nẵng trở ra), Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì. Tham dự Hội nghị có Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Văn Thanh, Ngô Văn Khánh, Lê Thị Thủy, đại diện Lãnh đạo UBND, Lãnh đạo Thanh tra các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong năm 2013, theo tổng hợp báo cáo của TTCP số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo và số đoàn đông người giảm khoảng 2% so với năm 2012; số vụ việc khiếu nại, tố cáo (KN, TC) thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước giảm trên 30%, trong đó, về khiếu nại, cả nước phát sinh 36.526 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, về tố cáo, cả nước phát sinh 7.406 vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước. Qua báo cáo và phân tích từ kết quả giải quyết KN, TC có khoảng 61,6% trường hợp khiếu nại sai và 49,4 % tố cáo sai cho thấy nhận thức và hiểu biết pháp luật của công dân còn hạn chế; cá biệt có một số đối tượng lợi dụng để xúi giục, kích động, lôi kéo công dân khiếu nại đông người có những hành vi quá khích, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Các cơ quan nhà nước đã tiếp 380.331 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Nhìn chung, công tác tiếp công dân trong năm qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 39.013/43.932 vụ việc KN, TCthuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ trên 88,8%. Qua giải quyết KN, TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 95 tỷ đồng, 89 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 1.083 tỷ đồng, 93 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 675 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 28 vụ việc với 89 người.

Về giải quyết các vụ việc KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tính đến ngày31/12/2013, cả nước đã rà soát 528/528 vụ việc (đạt 100%), đã kiểm tra, có phương án giải quyết 475/528 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,96%. Kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ về tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KN, TC phức tạp, tồn đọng trong số 62/528 vụ việc còn lại theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP thì đã giải quyết được 9 vụ việc. Hiện nay còn 53 vụ việc chưa hoàn thành. Về kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp khác (ngoài 528 vụ việc), theo thống kê bước đầu hiện nay cả nước có 1.335 vụ việc phức tạp, tồn đọng cần tập trung giải quyết (phía Bắc 375 vụ việc; Miền Trung – Tây Nguyên 120 vụ việc; phía Nam 840 vụ việc). Theo báo cáo, các tỉnh, thành phố Khu vực phía Nam đã giải quyết được 157/840 vụ việc.
Năm 2014 được dự báo tình hình KN, TC của công dân có thể tăng không nhiều nhưng diễn biến vẫn gay gắt, phức tạp. Các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, nắm chắc tình hình KN, TC và chủ động, kịp thời giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra phức tạp, đông người ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện đồng bộ các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp mà TTCP đã tổng kết và chỉ ra. Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KN, TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành. Để việc triển khai thực hiện Kế hoạch 2100 có hiệu quả, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát mục đích, yêu cầu, nội dung kế hoạch, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung theo sự chỉ đạo của TTCP.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với báo cáo do TTCP tổng hợp, ý kiến đại biểu cũng đã chia sẻ một số vấn đề KN,TC và giải quyết KN, TC ở địa phương, bộ ngành. Cụ thể, có nhiều vụ việc người dân không đồng tình với kết quả giải quyết khiếu nại chuyển nội dung đơn sang tố cáo, gây phức tạp trong việc giải quyết; TTCP nên có hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong vận dụng chế độ chính sách đối với việc giải quyết các vụ việc KN,TC phức tạp; Công tác tiếp dân thường xuyên của Lãnh đạo cơ quan, đơn vị gắn với việc giải quyết ngay vụ việc vẫn gặp những khó khăn nhất định; giải quyết đến cùng vụ việc không giải quyết theo kiểu hết thẩm quyền. Yêu cầu công dân mời luật sư, báo chí cùng dự đối thoại để bảo vệ quyền lợi cho mình. Nắm chắc nội dung thực tiễn, không suy diễn, kiên trì lắng nghe, kiên trì giải thích, trao đổi, nắm bắt thông tin kịp thời; chủ động làm việc với cơ quan báo chí nhằm cung cấp thông tin các vụ việc phức tạp; có chế độ khuyến khích việc hòa giải từ cơ sở…

Tổng hợp các ý kiến tham gia thảo luận, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, có rất nhiều những ý kiến đóng góp tích cực trong công tác giải quyết KN,TC và các ý kiến cũng thể hiện sự đồng tình, nhất trí với báo cáo của TTCP, qua đó thể hiện các tỉnh, thành phố rất quan tâm tới công tác này. Hoan nghênh các ý kiến giải quyết đến cùng vụ việc, kiên trì đối thoại, khuyến khích hòa giải từ cơ sở, thực hiện quy chế phối hợp giữa tòa án với chính quyền cơ sở,Phó tổng Thanh tra đề nghị, các địa phương, bộ, ngành thường xuyên phối hợp chia sẻ thông tin với Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; rà soát đánh giá và dự báo những tiềm ẩn trong giải quyết KN, TC một cách cụ thể.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, với 8 ý kiến trực tiếp và 10 ý kiến bằng văn bản của đại biểu đã đưa ra những kinh nghiệm và xác định giải quyết KN, TC là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm thường xuyên của địa phương bộ, ngành. Tình hình KN,TC năm 2013 có giảm về tỷ lệ nhưng tính chất phức tạp gay gắt hơn. Các cấp ngành tích cực triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước do đó giải quyết đạt hơn 88%; giải quyết tồn đọng, phức tạp kéo dài đạt hơn 90%, tình hình tiếp khiếu không cao; thực hiện quyết liệt Kế hoạch 2100 (có 47 đơn vị có báo cáo với hơn 1300 vụ việc trong đó đã giải quyết 157 vụ việc); kỷ cương kỷ luật trong giải quyết KN, TC được quan tâm. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những yếu kém trong công tác này cần xác định rõ các nguyên nhân đó là, trong quản lý điều hành chưa xác định rõ trách nhiệm đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; một bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy công việc, có sự bảo thủ, sai không sửa. Do đó, việc xác định thẩm quyền chỉ một phần, thể hiện trách nhiệm giải quyết đến cùng vụ việc mới là yếu tố quan trọng.
Trên cơ sở đánh giá của Hội nghị nhằm xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để thống nhất thực hiện trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ đạo, về chủ trương, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về KN, TC, xác định cấp ủy ở cơ sở là đơn vị chủ trì biến Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền tạo nên nhận thức và hành động với mục tiêu, giải quyết phát sinh mới phải đạt 85%. Bên cạnh đó, hạn chế thấp nhất việc tiếp khiếu, tái khiếu; hạn chế khiếu kiện đông người, điểm nóng. Đối với 53 vụ việc còn lại theo KH 1130 từ nay đến 30/4/2014 phải giải quyết dứt điểm; các tỉnh chưa có báo cáo rà soát theo KH 2100 cần nhanh chóng thực hiện; về giải pháp, quan tâm công tác tiếp công dân, xác định 3 loại tiếp công dân thường xuyên; tiếp dân định kỳ của lãnh đạo, tiếp dân đột xuất, gắn với đối thoại, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn về pháp luật và quyết định giải quyết. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, quan tâm hòa giải ở cơ sở, giải quyết dứt điểm vụ việc, không nặng về thẩm quyền. Tổ chức thanh tra trách nhiệm gắn với giải quyết KN, TC; xác định điểm dừng trong KN, TC các tỉnh nên chia sẻ kinh nghiệm từ Quảng Ninh mà cụ thể là việc phối hợp với tòa án trong giải quyết KN, TC; các Bộ, ngành quan tâm hơn tới thẩm quyền giải quyết, địa phương còn vướng mắc Bộ hướng dẫn, trao đổi tháo gỡ cho địa phương. Tổng Thanh tra khẳng định, TTCP sẵn sàng phối hợp khi địa phương có yêu cầu và tới đây sẽ thành lập các tổ công tác xuống địa phương góp ý, trao đổi để ra các quyết định giải quyết. Bên cạnh đó, TTCP sẽ có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong công tác này. Đối với các kiến nghị của đại biểu, TTCP ghi nhận để trao đổi với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn; Kiến nghị liên quan đến Luật đất đai sửa đổi, Tổng Thanh tra đề nghị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi với Bộ trưởng. Cuối cùng, Tổng Thanh tra yêu cầu, các đại biểu nghiêm túc tiếp thu ý kiến Hội nghị để triển khai công việc.
Chiều cùng ngày, TTCP tổ chức tập huấn chuyên đề thanh tra diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
Theo kế hoạch ngày 27/2 tới đây, TTCP sẽ tiến hành Hội nghị triển khai công tác tiếp công dân giải quyết KN, TC và thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2014 khu vực II (từ Quảng Nam trở vào)./.