Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương.
Khi bàn về ĐĐCV của cán bộ, đảng viên thì chủ thể ở đây được hiểu là cán bộ, đảng viên đang thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực công.
Để góp phần nâng cao ĐĐCV của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi thi hành nhiệm vụ, cần thực hiện một số giải pháp: Một là, thường xuyên giáo dục và nêu cao tinh thần tự tu dưỡng ĐĐCV. Hai là, xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực nhằm cụ thể hóa nguyên tắc ĐĐCV. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định của Đảng, hệ thống luật pháp của Nhà nước cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể hóa những giá trị đạo đức như lòng trung thành, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư… thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ… Ba là, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt hành vi vi phạm ĐĐCV. Cụ thể, cần thực hiện công khai hóa quá trình tuyển chọn, sử dụng đánh giá cán bộ, đảng viên, đưa các yếu tố về ĐĐCV vào nội dung tuyển dụng và đánh giá kết quả hoạt động; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhằm phát hiện các nguy cơ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên và hoạt động công vụ.
Bên cạnh đó, cần có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với cán bộ, đảng viên dựa trên nguyên tắc về sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm; xây dựng các chế độ, chính sách tôn vinh, khuyến khích sự tận tâm thực hiện công vụ, khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, đảng viên làm việc tốt, tận tụy và trong sạch; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm ĐĐCV.
Thông qua thực hiện, Đảng bộ Ban Tiếp công dân Trung ương đã đúc rút được một số kinh nghiệm như sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên: Để nâng cao ĐĐCV của cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy Ban Tiếp công dân Trung ương tăng cường tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về ĐĐCV: Tiếp tục đẩy mạnh “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị; thực hiện Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/2/2012 của Tổng Thanh tra “về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Đảng ủy Ban Tiếp công dân Trung ương đã cụ thể hóa nhiệm vụ của tổ chức Đảng và của từng đảng viên thông qua việc ban hành Nghị quyết số 04 NQ/ĐU ngày 28/11/2013 về nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nghị quyết đã xác định: Tiếp công dân và xử lý đơn thư là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo để công dân thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật; công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và xử lý đơn thư là thực hiện một trách nhiệm lớn lao được Nhà nước giao phó. Công dân đánh giá tính ưu việt của bản chất Nhà nước chủ yếu qua việc thừa hành nhiệm vụ, thái độ tiếp xúc và tinh thần trách nhiệm của công chức. Công chức, đảng viên trong Đảng bộ cần nhận thức sâu sắc vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, việc tiếp công dân và xử lý đơn thư là hoạt động tác nghiệp tạo tiền đề để đảm bảo quyền của công dân do pháp luật quy định được thực hiện trên thực tế. Hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư của công chức có ảnh hưởng nhất định đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Vì vậy, mỗi công chức, đảng viên trong Đảng bộ cần nhận thức rõ về trách nhiệm cao cả đó của đơn vị và của bản thân mình để thấy được ý nghĩa của công việc mình làm, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ tích cực với công việc và công dân.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, động viên tinh thần, nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, làm việc với thái độ khách quan, công tâm của mỗi công chức, đảng viên. Đảng ủy, Chi bộ tập trung vào việc bàn và định hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, động viên tinh thần trách nhiệm, ý thức và sự gương mẫu của đảng viên; xác định rõ mục tiêu trong công việc để từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu khi thực thi công vụ và nâng cao ĐĐCV trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ba là, coi việc nâng cao ĐĐCV của công chức, đảng viên trong đơn vị là một nhiệm vụ thường xuyên: Đảng ủy, lãnh đạo Ban chủ động định hướng các nội dung sinh hoạt chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, tạo điều kiện để đảng viên được trao đổi, thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, về thái độ giao tiếp, ứng xử với công dân. Trong thảo luận thực hiện đúng các nguyên tắc của tổ chức Đảng, mở rộng và phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, chân thành để đảng viên thể hiện chính kiến của mình, phát huy dân chủ trong viêc bày tỏ quan điểm cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp. Thông qua trao đổi, tọa đàm để nâng cao trình độ chuyên môn đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế thiếu sót cần khắc phục như chấn chỉnh thái độ ứng xử, giao tiếp với công dân, đề cao trách nhiệm của mỗi công chức, đảng viên trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
Tóm lại, nâng cao ĐĐCV của cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ là một đòi hỏi tất yếu và để thực hiện được cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ vừa đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, vừa có cơ chế tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và vừa ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức. Bồi dưỡng và nâng cao ĐĐCV trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, công chức, đảng viên; đồng thời, là kết quả từ nỗ lực chung của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể của toàn xã hội (Theo Báo Thanh tra).
Ngọc Anh