Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Thái Hải
Tham dự có Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cùng các Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào, Lê Thị Thủy; ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao và ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án TAND Tối cao.
Theo TTCP, các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến trách nhiệm của TAND các cấp từ năm 2013 và quý 1/2014 cho thấy, tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiếp và xử lý 2.342 lượt công dân khiếu nại vụ việc thuộc thẩm quyền của TA.
Trong đó, có 900 lượt công dân đến Trụ sở khiếu nại liên quan đến TA, chủ yếu là việc không nhất trí với nội dung bản án, quyết định của TA; 1.442 lượt công dân khiếu nại các vụ việc hành chính, đã được cơ quan hành chính giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân không nhất trí tiếp tục khiếu nại, nay thuộc thẩm quyền giải quyết của TA, Trụ sở đã hướng dẫn công dân khởi kiện ra TA có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tại các địa phương, có 125 vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của tòa án nhân dân các cấp, trong đó có 55 vụ việc khiếu nại được cơ quan hành chính giải quyết, nay công dân không đồng ý và tiếp tục khởi kiện ra tòa án; 70 vụ việc công dân khởi kiện ra tòa án và được thụ lý để xét xử, nhưng dân vẫn khiếu kiện đến cơ quan hành chính.
Ngoài ra, trong 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 1130 thì có 8 vụ việc khiếu kiện có liên quan đến TA, trong đó, có 7 vụ việc đã được các cơ quan hành chính đã giải quyết hết thẩm quyền, công dân không đồng ý, sau khi rà soát các cơ quan hành chính Nhà nước đã hướng dẫn công dân khởi kiện đến TA có thẩm quyền; 1 vụ việc TAND Tối cao đã xét xử, nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại kéo dài đến cơ quan hành chính.
Nội dung khiếu nại hành chính có liên quan đến TA phần lớn là các vụ việc có liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất; tranh chấp đất đai, nhà ở; đòi lại đất đai, nhà ở…
Tại cuộc họp, đại diện TTCP đã trình bày những vướng mắc trong quá trình giải quyến khiếu kiện của công dân, trong đó, việc các cơ quan hành chính đã giải quyết khiếu nại hết thẩm quyền, nay công dân tiếp tục khiếu nại đến cơ quan hành chính và khởi kiện tại TA nhưng phần lớn các vụ việc này đã hết thời hiệu khởi kiện tại TA theo quy định, nên TA không thụ lý; một số quy định của pháp luật còn bất cập, không thống nhất, nhiều vụ việc có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của UBND cấp tỉnh có nội dung thống nhất với quyết định giải quyết lần đầu của chủ tịch UBND huyện. Khi công dân không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại TA, nhưng TA sẽ không thụ lý vì không thuộc trường hợp được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 02; trong một số trường hợp, TA tuyên hủy quyết định của cơ quan hành chính vì không đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục, mà không xem xét và tuyên xử về nội dung của quyết định của cơ quan hành chính.
TTCP đề nghị TAND Tối cao nghiên cứu các vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khởi kiện. Đồng thời, có giải pháp để xem xét, xử lý, giải quyết các vụ việc công dân khiếu nại, khởi kiện kéo dài nhiều năm…
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thái Hải
Tại cuộc họp 2 bên thống nhất, nếu TTCP chuyển đơn liên quan đến bản án, tố tụng, quyết định của TA thì TA sẽ thụ lý giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết đến TTCP; về vấn đề nhận đơn thư khiếu nại liên quan đến bản án, tố tụng TA đã quy về một mối là Phòng Văn thư tiếp nhận đơn thư tại TA.
Về các vướng mắc, TAND Tối cao sẽ tiếp thu và xem xét, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-HĐTP.
Về vấn đề sửa đổi Luật Tố tụng thì cần phải xem xét có mở rộng thẩm quyền của TA hay không; quyền của công dân như thế nào; cơ quan hành án đối với tố tụng hành chính ra sao…
Kết luận cuộc họp, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đánh giá cao kết quả làm việc giữa 2 bên, đặc biệt là đưa ra vấn đề ký kết Quy chế phối hợp nhằm phối hợp giải quyết khiếu nại của công dân liên quan đến TA.
Tổng Thanh tra đồng tình với các ý kiến thống nhất giữa 2 bên; đối với các vụ việc giải quyết lần 2 mà dân không đồng ý, thì hướng dẫn công dân khiếu nại ra tòa; những vụ việc dân đang khiếu lần 2 bên thì TAND Tối cao sẽ xét xử; cần có sự thống nhất giữa hệ cơ quan hành chính với TA, và thống nhất với TTCP để cung cấp thông tin kịp thời.
Tổng Thanh tra yêu cầu nên có quy chế phối hợp giữa TA và TTCP để giải quyết những vướng mắc liên quan đến khiếu nại hành chính, đồng thời, cần phải cung cấp thông tin để phối hợp giữa 2 cơ quan nhưng phải theo quy chế; khi có quy chế cần phải có cuộc họp hoặc hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền rộng quy chế và có sự phân công trách nhiệm đối với cơ quan hành chính.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng thống nhất việc sẽ soạn thảo quy chế phối hợp giữa 2 bên để giải quyết khiếu nại của công dân liên quan đến khiếu kiện hành chính của TA, đồng thời cần phải có đầu mối 2 bên để tổ chức giao ban định kỳ nhằm trao đổi thông tin, tình hình tiếp dân liên quan đến TA và ngược lại (Theo Báo Thanh tra).
Ngọc Anh
.