Được biết, Thanh tra Chính phủ đã biên soạn 3 cuốn sách về lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam là Lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam (1945 - 1995), Lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam (1945 - 2005) và Lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam (1945 - 2010). Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam vào năm 2015, TTCP tiếp tục biên soạn cuốn sách Lịch sử ngành Thanh tra Việt Nam (1945 - 2015). Cuốn sách này sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở những cuốn sách đã ban hành, đồng thời bổ sung Chương IV với tên gọi "Tổ chức và hoạt động thanh tra trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển (2010 - 2015)". Đối tác biên soạn cuốn sách lần này là Viện Sử học Việt Nam.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng và Nguyễn Đức Hạnh cùng chủ trì buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS Nguyễn Ngọc Mão, Viện Sử học Việt Nam cho biết, chương mới này được kết cấu gồm 6 phần. Trong đó, phần I là Tăng cường xây dựng lực lượng ngành Thanh tra (tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học); Phần II, Tiếp tục hoàn thiện thể chế (triển khai xây dựng thể chế, nhận xét sơ bộ); Phần III, Hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội (thanh tra kinh tế và thanh tra nội chính - văn xã); Phần IV, Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết); Phần V, Công tác phòng, chống tham nhũng (tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thanh tra xử lý đơn, thư tố cáo tham nhũng; kết quả đạt được và tồn tại); Phần VI, Các công tác khác (tuyên truyền phổ biến pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; công tác văn phòng; công tác thi đua khen thưởng).
Toàn cảnh buổi làm việc
Trên cơ sở đồng tình với phần lớn nội dung của Đề cương sơ lược, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh, đây là cuốn lịch sử của cả ngành Thanh tra, chứ không phải của riêng Thanh tra Chính phủ. Do đó, Phó Tổng Thanh tra đề nghị các ý kiến đóng góp cần chú ý tới hoạt động thanh tra của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần tập trung vào tên gọi, kết cấu của chương và những điểm nổi bật trong từng phần để thuận lợi trong sưu tầm dữ liệu phục vụ biên tập.
Cũng liên quan đến nội dung này, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, khi biên soạn cần xác định đây là sách lịch sử của ngành Thanh tra, nên mọi thông tin nêu ra đều phải phản ánh khách quan, trung thục, nên có cả những việc làm được và chưa làm được.
Về kết cấu, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đồng ý 6 phần, tuy nhiên có thể đảo vị trí của các phần. Ví dụ, phần II Hoàn thiện thể chế nên đưa lên làm phần thứ nhất, vì đây là phần hết sức quan trọng đối với ngành Thanh tra, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã làm rất tốt công tác này, nhiều luật đã được vận hành, đi vào cuộc sống và có tác động rất lớn tới hoạt động của ngành Thanh tra. Riêng tên gọi của mục IV nên bổ sung là Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, có đề cập tới Luật Tiếp công dân mới ban hành, một số kết quả chính của công tác tiếp dân...
Về hoạt động phòng, chống tham nhũng, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm nên trong cuốn lịch sử ngành lần này nên đề cập tới việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng... Đối với phần VI Công tác khác nên nhấn đến công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; trong công tác văn phòng nên nhấn thêm đến xây dựng cơ sở vật chất của ngành Thanh tra, ví dụ xây dựng trụ sở mới của TTCP, xây mới Trường Cán bộ Thanh tra, các Trụ sở tiếp dân...
Buổi làm việc cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ. Qua đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc giữ nguyên tên gọi Chương VI như đề cương sơ lược. Kết cấu vẫn để 6 phần, nhưng đưa phần II Hoàn thiện thể chế lên là phần I. Phần III Hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội đổi tên thành hoạt động thanh tra. Kết cấu phần III cũng được thay đổi lại là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Phần IV bổ sung thêm nội dung tiếp công dân, thống nhất tên gọi là Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phần V vẫn giữ nguyên là công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng trong nội dung sẽ chú ý tới đóng góp của ngành Thanh tra với công tác này; đưa ví dụ cụ thể 1 số vụ án lớn; có những nhận xét, đánh giá... Phần VI giữ nguyên tên gọi nhưng bố cục, cần sắp xếp lại sao cho logic, khoa học. Tổ Biên tập cần tiếp thu những ý kiến đóng góp để sửa đổi, bổ sung những nội dung hợp lý và sớm đưa ra được đề cương chi tiết./.
Thanh Nhung