Cụ thể, UBND TP Hà Nội bố trí Trụ sở tiếp công dân Thành phố tại 34 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm và 20 Hoàng Diệu, Hà Đông để HĐND TP, Đoàn ĐBQH TP, UBND TP và Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong khi đó, UBND cấp huyện trực thuộc bố trí Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ở địa điểm phù hợp để HĐND, UBND, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy, Văn phòng Huyện ủy và các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; UBND cấp xã tổ chức tiếp công dân thường xuyên hàng ngày, thực hiện tại trụ sở UBND xã.
Theo Quy định của thành phố Hà Nội, định kỳ ngày thứ Ba của tuần thứ 3 hàng tháng, Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì tiếp công dân tại 2 trụ sở tiếp công dân của Thành phố; Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân mỗi tháng ít nhất 2 ngày; Chủ tịch UBND xã tiếp công dân mỗi tuần ít nhất 1 ngày; Thủ trưởng các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố tiếp công dân mỗi tháng ít nhất 1 ngày. Riêng Thanh tra Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an Thành phố có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân thường xuyên hàng ngày, các cơ quan khác tổ chức tiếp công dân mỗi tuần ít nhất 1 ngày. Ngoài việc tiếp công dân định kỳ Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân.
Hội nghị toàn quốc về tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2012 - Ảnh minh họa
Khi tiếp công dân cán bộ phải trang phục chỉnh tề, có biển hiệu ghi rõ tên, chức danh phải có thái độ đúng mực; chấp hành nghiêm quy định pháp luật về tiếp công dân; cán bộ tiếp dân phải nghe, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phải giải thích, hướng dẫn cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày đầy đủ, chính xác, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Nếu là vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, tổ chức mình thì tiếp nhận đơn, viết giấy biên nhận đơn và các tài liệu liên quan mà người khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị cung cấp, báo cáo thủ trưởng cơ quan để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền; Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan, tổ chức mình thì hướng dẫn hoặc báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức mình để chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh từ các nguồn chuyển đến được tập trung giao cho Ban Tiếp công dân để vào sổ theo dõi, phân loại và xử lý theo quy định. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo và phân công cán bộ tiếp nhận, xử lý đơn thư trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.
Trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên hoặc các cơ quan báo chí chuyển đến bộ phận tiếp công dân của cơ quan hoặc văn phòng (nơi không thành lập ban tiếp công dân) phải phân loại, xử lý và có văn bản phúc đáp lại cơ quan chuyển đơn trong thời hạn 10 ngày làm việc. Nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận nội dung tố cáo, văn bản giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết.
Trong trường hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cùng 1 nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì cán bộ tiếp công dân hướng dẫn công dân tách riêng nội dung khiếu nại và nội dung tố cáo để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, cán bộ tiếp công dân cũng có quyền từ chối không tiếp trong những trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân.
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết; Thanh tra Thành phố và Thanh tra các quận, huyện, thị xã giúp Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Bên cạnh đó, Ban Tiếp công dân Thành phố, quận, huyện, thị xã định kỳ hàng năm chủ trì giao ban với cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thông báo tình hình, rút kinh nghiệm, bàn biện pháp phối hợp./.
Thanh Nhung