Bình yên những khoảng lặng tiếp dân

Được “nghe dân nói” hàng ngày đã trở thành thói quen của cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư. Có lẽ viết về họ thì không có ngòi bút nào diễn tả hết những nhọc nhằn mà họ đang làm từng ngày.

Bình yên những khoảng lặng tiếp dân
Hơn 1.000 cư dân tại 93 Lò Đúc gửi thư cám ơn Tổng Thanh tra. Ảnh: ĐQ

Vững tâm gắn bó với nghề

Nhiều ngày ngồi tại Trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư, chúng tôi không khỏi chạnh lòng chứng kiến cảnh công dân bức xúc, căng băng rôn, khẩu hiệu, thậm chí có thái độ hành hung cán bộ nơi đây. Chắc hẳn, các cán bộ tiếp dân phải là những người thực sự bản lĩnh mới làm được công việc này.

Gặp chúng tôi, Trưởng phòng Tiếp dân Phan Văn Hải cho biết, năm 2015 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp và tiềm ẩn yếu tố chính trị. Do vậy, đã gặp không ít khó khăn trong công việc. Đặc biệt, trong quý IV, các đoàn đông người tăng, có đoàn lên đến vài trăm người thường xuyên đến Trụ sở gây áp lực cho cán bộ tiếp dân. “Dù vậy, chúng tôi - những cán bộ tiếp dân vẫn chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Ban, hết lòng vì công việc, duy trì tiếp dân, hướng dẫn, thuyết phục công dân”, anh Hải chia sẻ.

Cán bộ tiếp dân hướng dẫn quy trình gửi đơn cho công dân

 

Được biết, anh Hải đã có thâm niên 13 năm liên tục tiếp dân. Xác định đây là nghề, là nghiệp nên dù vất vả bận rộn, nhiều lúc rất mệt mỏi nhưng anh vẫn vững tâm, gắn bó với công việc.

Làm công tác tiếp dân, ngoài chuyên môn, người cán bộ còn cần có cái tâm và phải biết khi mềm mỏng, lúc cứng rắn. Nam giới làm công việc này đã khó, nữ giới còn khó hơn. Chị Hương Trà, một nữ cán bộ tiếp dân có thâm niên ở Trụ sở chia sẻ, đây là công việc vô cùng nặng nhọc về tư tưởng. Rất nhiều lần chị bị công dân gây áp lực, thế nhưng theo chị “đã yêu nghề thì phải yêu dân, lắng nghe dân. Có như vậy mới gắn bó được lâu dài với công việc”.

Hay như chị Quỳnh Nga khi mới bắt đầu tiếp cận với việc tiếp dân đã phải khóc như một đứa trẻ vì bị công dân xúc phạm. Chị khóc vì đã làm hết sức mình, đã giải thích mọi nhẽ mà người dân vẫn không hiểu… Cũng như chị Trà, chị Quỳnh Nga chia sẻ, được tiếp xúc nhiều người với nhiều hoàn cảnh, nên giờ đây các chị lại học thêm được cách cảm thông và luôn ở trong tư thế lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân.

 “Người dân vui, mình cũng vui”

Trụ sở Tiếp công dân T.Ư ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải bởi người dân từ cả nước đổ về, đặc biệt, trước các kỳ họp T.Ư, họp Quốc hội.

Trong căn phòng khoảng 12m2, chị Nguyễn Thị Thu Hiền cũng đang bận rộn với chồng đơn cao ngất. Chị kể, mỗi ngày, chị ngồi đọc hàng chục đơn, nhiều lúc hoa mắt, chóng mặt vì những dòng chữ không chấm, không phẩy, không câu cú của công dân, có lúc quên cả giờ giấc. Trong quá trình xử lý đơn, có những vụ việc phát hiện oan sai, các anh, chị lập tức báo cáo cấp trên để chuyển các cấp có thẩm quyền giải quyết. Mỗi lần như vậy, mọi người rất vui vẻ, coi như đã giúp được người dân, “người dân vui thì mình cũng vui”.

 

Lãnh đạo Ban Tiếp công dân trong một buổi tiếp dân

 

Chị Hiền chia sẻ, dù đúng, dù sai, những người đi khiếu nại, tố cáo phần đông vẫn là những người dân nghèo, không có tiếng nói trong xã hội. Họ đến Trụ sở Tiếp Công dân T.Ư những mong được giúp đỡ. Thấu hiểu được điều này nên mặc dù khối lượng công việc lớn, làm việc hầu như không có ngày nghỉ, nhưng mỗi người cán bộ tiếp dân vẫn ngày ngày làm việc cần mẫn, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.…

Và sau mỗi vụ việc được giải quyết thấu tình đạt lý, nhận được dòng thư cảm ơn của công dân, những người làm công tác tiếp dân như được tiếp thêm sức mạnh. Với họ, đó là món quà, cũng là động lực lớn để tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu công dân.
                                                               
Thanh Nhung

Tin liên quan