Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sau 10 năm thực hiện Luật PCTN, bên cạnh những kết quả tích cực thì Luật PCTN cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng phát hiện còn ít,thu hồi tài sản tham nhũng đạt thấp… gây tâm lý bức xúc, hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của nước ta.
Một số bất cập chính là quy định công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát, chưa thực chất, đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung; chế định trách nhiệm giải trình còn hẹp, chưa gắn liền với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu về các vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước; chưa đưa ra khái niệm chính thức, cơ chế kiểm soát về xung đột lợi ích; các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị còn thiếu rõ ràng, chưa thực chất và không khuyến khích tính chủ động của người đứng đầu trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng; quy định về minh bạch tài sản thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm toán, giải quyết tố cáo nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng chưa có sự phân định rõ ràng.
Ông Tuấn Anh khẳng định: Việc xây dựng Luật PCTN nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về PCTN, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ với các đạo luật quan trọng khác mới được Quốc hội thông qua và nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng. Nhiệm vụ sửa đổi Luật PCTN lần này sẽ theo hướng củng cố nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, cơ bản và lâu dài.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Soạn thảo Luật PCTN thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến về định hướng xây dựng Luật PCTN, cụ thể một số quy định như vị trí, vai trò của Luật PCTN, phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN, các giải pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, cơ quan chuyên trách về PCTN, về xử lý hành vi tham nhũng và vi phạm pháp luật về PCTN, xử lý tài sản tham nhũng.
Theo dự thảo Kế hoạch chi tiết về việc xây dựng dự thảo Luật PCTN sửa đổi, trên cơ sở ý kiến định hướng của Ban Soạn thảo, Thường trực Tổ biên tập xây dựng đề cương và xây dựng dự thảo Luật lần 1 đề đưa ra xin ý kiến Tổ biên tập trước 10/3/2016. Đến ngày 10/7/2016, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo và Tổ Biên tập chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cùng tờ trình, thuyết minh và các tài liệu khác có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các thành viên Ban soạn thảo Luật PCTN tiếp tục nghiên cứu, tập trung đưa ra ý kiến để thống nhất định hướng xây dựng Luật PCTN trong thời gian tới. Ban Soạn thảo và Tổ biên tập tập trung triển khai các nhiệm vụ để đảm bảo về mặt tiến độ, chất lượng theo kế hoạch chi tiết về việc xây dựng dự thảo Luật PCTN sửa đổi.
Thanh Nhung