Trong một số kỳ họp gần đây, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm, dành thời gian để thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ; thảo luận về Báo cáo giám sát chuyên đề về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PCTN; ban hành các Nghị quyết của Quốc hội trong đó có nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng… Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã tích cực tham gia vào các hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng như tham gia thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, tham gia hoạt động chất vấn về công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tham gia các Đoàn giám sát về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về tham nhũng…
Với vai trò là cơ quan của Quốc hội, được giao trách nhiệm chủ trì thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN, giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Trên thực tế, hoạt động giám sát của Ủy ban được thực hiện dưới các hình thức, như: Thực hiện giám sát chuyên đề về PCTN và tiến hành các cuộc khảo sát thực tế tại các Bộ, ngành và địa phương về công tác PCTN; thẩm tra Báo cáo công tác PCTN hàng năm của Chính phủ; xem xét các báo cáo, nghe giải trình của các cơ quan có trách nhiệm trong công tác PCTN; giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PCTN; thực hiện kết hợp giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng khi tiến hành các hoạt động giám sát hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp; theo dõi, giám sát việc giải quyết các vụ án tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân do Ban Chỉ đạo PCTN chỉ đạo việc giải quyết; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác PCTN (giám sát hậu giám sát); các đại biểu thành viên của Uỷ ban tham gia hoạt động chất vấn về công tác PCTN tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội…
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Thông qua hoạt động giám sát công tác PCTN nói chung và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng nói riêng, các cơ quan dân cử đã chỉ ra được nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác này. Qua kết quả giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của Uỷ ban Tư pháp, các đại biểu Quốc hội đã có các chất vấn với người đứng đầu các Bộ, ngành có liên quan, Quốc hội đã có các nghị quyết về các nội dung này, từ đó đã bước đầu tạo ra chuyển biến rõ nét hơn trong công tác PCTN. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được đẩy nhanh hơn, công tác phòng ngừa tham nhũng được quan tâm hơn; việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm toán đã tăng lên; việc xử án treo hoặc xử dưới khung luật định đối với tội tham nhũng đã giảm rõ rệt… Nhìn chung, hoạt động giám sát của Quốc hội đã bước đầu có những tác động tích cực tới công tác PCTN, bảo đảm việc thực thi pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước và ở địa phương.
Cùng với việc xem xét, theo dõi, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN nhằm chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công tác này, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng đã góp phần quan trọng vào việc đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của Luật PCTN và các văn bản pháp luật có liên quan, qua đó phục vụ tích cực cho việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN và các văn bản bản pháp luật khác có liên quan về PCTN. Thông qua hoạt động giám sát PCTN, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, nhìn chung về cơ bản, nhiều nội dung của Luật PCTN là phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm thế giới và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Luật còn bất cập, hạn chế, do đó hiệu quả công tác PCTN không cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nội dung của Luật còn bất cập, cần phải được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, như: Vẫn còn có sự chồng chéo, trùng lắp, không thống nhất của hệ thống pháp luật về công tác PCTN, phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN mới chỉ giới hạn trong khu vực nhà nước, hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng còn thấp, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng chưa hiệu quả…
Từ thực tiễn hoạt động giám sát PCTN thời gian qua, xin đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng như sau:
Một là, về thể chế: Cần khẩn trương nghiên cứu để tiếp tục sửa đổi toàn diện những hạn chế, bất cập của pháp luật về PCTN, mà trước hết là Luật PCTN từ các biện pháp phòng ngừa cho đến việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Bên cạnh đó, quy định về cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan dân cử với các cơ quan hữu quan có trách nhiệm phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, đặc biệt là với cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong việc cung cấp thông tin, tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Hai là, về hình thức, phương thức giám sát: Cần tăng cường đồng bộ các hình thức giám sát (Đoàn giám sát, khảo sát, nghe báo cáo, giải trình, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo…). Việc giám sát cần tiến hành theo kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh việc xem xét các báo cáo của các cơ quan nhà nước, cần chú trọng tới các nguồn thông tin khác có liên quan về công tác PCTN như báo chí; nghiên cứu của các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, của các viện nghiên cứu…, tăng cường các kênh, các hoạt động tiếp xúc cử tri, sử dụng chuyên gia, tổ chức điều tra xã hội học… Để phục vụ hoạt động giám sát.
Cần quan tâm tập trung giám sát một số vụ việc cụ thể, nổi cộm về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, xác định rõ trách nhiệm của những người có liên quan, từ đó tạo sức ép và làm động lực để các cơ quan hữu quan phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình. Đối với công tác PCTN, cần tăng cường hoạt động nghe báo cáo giải trình; các phiên chất vấn, thảo luận có truyền hình trực tiếp tại diễn đàn Quốc hội… Sau chất vấn, thảo luận tại hội trường, trong trường hợp cần thiết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về nội dung được chất vấn, thảo luận, xác định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền có liên quan; các Uỷ ban giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị của đại biểu.
Ba là, về điều kiện đảm bảo hoạt động giám sát: Tăng cường các đại biểu chuyên trách là thành viên các Uỷ ban của Quốc hội và đội ngũ cán bộ giúp việc, bảo đảm về kinh phí, cơ sở vật chất cho cơ quan dân cử.
Để bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cần bổ sung cho Uỷ ban Tư pháp thẩm quyền yêu cầu Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ thực hiện hoạt động kiểm toán, thanh tra, kiểm tra khi cần thiết. Xác định trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc phối hợp công tác với Uỷ ban Tư pháp để Uỷ ban có thể thực hiện tốt chức năng giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng./.
Thanh Nhung