Ngày 16/11, Viện Khoa học Thanh tra đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài “Phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra” do ThS. Lê Văn Đức làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài hướng đến việc hoàn thiện quy định phát luật về thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt trong chỉ đạo điều hành; phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; không chồng chéo và phù hợp với tính chất của hoạt động thanh tra.
Chưa có cơ chế phân định rõ thẩm quyền
Theo chủ nhiệm đề tài, pháp luật thanh tra chưa có cơ chế phân định rõ thẩm quyền hành chính (quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan) với thẩm quyền thực thi pháp luật (tiến hành thanh tra, ban hành kết luận thanh tra) của Tổng Thanh tra Chính phủ. Hiện nay, Tổng Thanh tra Chính phủ vừa quản lý, điều hành hoạt động thanh tra, vừa ký kết luận thanh tra là chưa phù hợp.
Việc thực hiện cùng lúc nhiều loại thẩm quyền có nguy cơ dẫn đến khó xác định trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động thanh tra (của các Phó Tổng Thanh tra, Cục trưởng, Vụ trưởng, Trưởng đoàn thanh tra) và khó bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình tiến hành thanh tra.
Bên cạnh đó, với tư cách là Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Thanh tra Chính phủ còn có nhiệm vụ, quyền hạn của một Bộ trưởng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực của ngành, đó là ban hành chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trên thực tế. Với việc quy định nhiều loại thẩm quyền như hiện nay, trong khi chưa có cơ chế phân định rõ ràng dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như khó bảo đảm thực hiện tốt nhiều thẩm quyền được pháp luật quy định.
Thứ hai, pháp luật thanh tra chưa phân định rõ thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với tư cách là Người ra quyết định thanh tra với thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra.
Thứ ba, phương thức phân định thẩm quyền giữa Thủ trưởng cơ quan thanh tra và Phó Thủ trưởng cơ quan thanh tra chưa phù hợp với tính chất cùa hoạt động thanh tra.
Thứ tư, pháp luật thanh tra chưa có cơ chế phân định rõ thẩm quyền giữa Người ra quyết định thanh tra với Thủ trưởng đơn vị được giao tổ chức Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra…
Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài “Phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra” do ThS. Lê Văn Đức làm chủ nhiệm đề tài diễn ra ngày 16/11, tại Viện Khoa học Thanh tra.
Xây dựng cơ chế phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra
Theo chủ nhiệm đề tài, để hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ chế phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cần xác định rõ phạm vi thẩm quyền của Tổng Thanh tra theo hướng chỉ quy định thẩm quyền với tính chất là người đứng đầu cơ quan thanh tra.
Hoạt động thanh tra nếu được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong các lĩnh vực khác nhau với tính chất là hoạt động của cơ quan thanh tra, như vậy người đứng đầu cơ quan thanh tra có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của cơ quan thanh tra. Còn nếu hoạt động thanh tra theo nghĩa hẹp bắt đầu từ khi ra quyết định thanh tra là hoạt động có tính chất nghiệp vụ đơn thuần, hoạt động của một tổ công tác nhằm xem xét, đánh giá hay xác minh một vấn đề cụ thể. Trong hoạt động này thì vai trò của Thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ nên xuất hiện trong một vài công đoạn cụ thể với tính chất là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, còn các hoạt động mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ thì sẽ do các chủ thể trực tiếp tiến hành thanh tra hoặc chủ thể được giao lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra thực hiện và chịu trách nhiệm với hoạt động của mình.
Trên thực tế, Tổng Thanh tra không phải là người trực tiếp tham gia hoạt động của Đoàn thanh tra, không phải là người trực tiếp chỉ đạo những biện pháp nghiệp vụ trong quá trình tiến hành thanh tra nên việc quy định thẩm quyền của chủ thể này trong việc ký kết luận thanh tra là không hợp lý. Do đó, Luật Thanh tra nên quy định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra của Tổng Thanh tra ở việc ra quyết định thanh tra và thông qua dự thảo kết luận thanh tra, còn việc ký kết luận thanh tra cần giao cho những người trực tiếp tham gia vào hoạt động thanh tra (Trưởng đoàn thanh tra) và Thủ trưởng đơn vị được giao tổ chức Đoàn thanh tra (Cục trưởng, Vụ trưởng).
Ngoài ra, để hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ chế phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng cần phải phân tích và giới hạn thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra; quy định cơ chế “ủy quyền hành chính” giữa Thủ trưởng cơ quan thanh tra và Phó Thủ trưởng cơ quan thanh tra thay cho cơ chế “phân công nhiệm vụ” như hiện nay; quy định thẩm quyền ký kết luận thanh tra cho Trưởng đoàn thanh tra và thẩm quyền xét duyệt dự thảo kết luận thanh tra đối với Thủ trưởng đơn vị tổ chức Đoàn thanh tra; quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra trong hoạt động thanh tra; quy định cụ thể tiêu chuẩn các chức danh trong hoạt động thanh tra gắn với tiêu chuẩn nghiệp vụ thanh tra; thành lập cơ chế thẩm định dự thảo kết luận thanh tra ở cấp vụ/cục thuộc Thanh tra Chính phủ…
Việc phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra sẽ xác định được rõ trách nhiệm cá nhân của từng chủ thể tham gia vào hoạt động thanh tra, từ đó chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra sẽ càng được nâng cao. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra là việc làm cấp thiết hiện nay./.
Thanh Nhung