Ban Chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung nghiên cứu tại Hội đồng đánh giá cấp cơ sở. Ảnh: TH
Tại hội thảo, ThS Ngô Mạnh Hùng cho biết, đề tài được nghiên cứu gồm 3 chương: Chương 1: Quan niệm, đặc điểm của hình thức thanh tra; Chương 2: Thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện các hình thức thanh tra; Chương II: quan điểm, giải pháp và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật, tăng cường hiệu lực thực hiện các hình thức thanh tra.
Ban Chủ nhiệm đề tài chỉ ra, việc áp dụng các hình thức thanh tra trên thực tế còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập về mặt pháp luật như: Quy định về hình thức thanh tra chưa bao quát, chưa làm rõ mối quan hệ giữa hình thức thanh tra với các yêu cầu khác trong hoạt động thanh tra; hình thức thanh tra thường xuyên của cơ quan được giao chức năng chuyên ngành chưa được quy định cụ thể; thẩm quyền, căn cứ tiến hành thanh tra đột xuất chưa được quy định cụ thể, còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Song song với những vướng mắc về mặt pháp luật cũng kéo theo những bất cập trong quá trình thực hiện các hình thức thanh tra hiện nay: Hoạt động thanh tra hành chính chủ yếu là thanh tra theo kế hoạch, trong khi thanh tra đột xuất chỉ chiếm 17,5% (cả nước); hệ thống theo dõi, tổng hợp thông tin về hoạt động thanh tra còn mang tính hình thức nên không đánh giá được hiệu quả cụ thể của từng hình thức thanh tra; hình thức thanh tra theo chương trình, kế hoạch trên thực tế chưa toàn diện và cụ thể.
"Qua rà soát danh sách các cuộc thanh tra do TTCP tiến hành từ 2013 - 2017 thì không có cuộc thanh tra nào được đặt tên theo một trong các hình thức thanh tra quy định trong Luật Thanh tra; hình thức thanh tra theo kế hoạch trên thực tế chưa toàn diện, cụ thể; việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm thiếu chủ động và tính tự chịu trách nhiệm", ThS Ngô Mạnh Hùng cho biết.
Cho ý kiến vào nội dung nghiên cứu của đề tài, các đại biểu đều nhất trí rằng vấn đề mà đề tài nghiên cứu là rất cần thiết khi cần có một quan niệm và cách nhìn nhận đúng đắn về thực trạng của các hình thức thanh tra hiện nay.
Theo TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, đề tài đã có đánh giá khá toàn diện về thực trạng thực hiện các hình thức thanh tra hiện nay. Tuy nhiên, nội dung phần này cần phân tích đi sâu vào những vấn đề về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết đối với từng hình thức thanh tra hiện nay để từ đó thấy rõ được những bất cập đang nổi cộm của thực tiễn thực hiện các hình thức thanh tra hiện nay.
Để kết cấu hợp lý hơn, phần quan điểm hoàn thiện pháp luật liên quan đến hình thức thanh tra cần chuyển lên chương I.
TS Cung Phi Hùng cũng cho rằng, hiện nay đang có sự giao thoa giữa các hình thức thanh tra, do vậy đề tài cần kiến nghị một hình thức thanh tra mới cho phù hợp với thực tiễn đang đặt ra hiện nay.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, Ban Chủ nhiệm đề tài có thể nghiên cứu theo hướng gắn nội dung về yêu cầu của quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh tra để dẫn tới việc hình thành một hình thức thanh tra mới trong thời gian tới.
Ngoài ra, đề tài cần đánh giá việc thực hiện các hình thức thanh tra: Đưa ra số liệu dẫn chứng cũng như phân tích sự phân định giữa thanh tra theo đoàn và thanh tra độc lập hiện nay. Bổ sung nguyên nhân về mặt nhận thức với các nội dung: Quan niệm về thanh tra hiện nay; tính phức tạp của hoạt động quản lý, việc phân cấp quản lý.
ThS Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Thông tin cho rằng, Chương I của đề tài cần gia cố thêm cho đầy dặn, cụ thể là bổ sung các yêu cầu khi xây dựng các hình thức thanh tra. Việc phân loại các hình thức thanh tra cần tiếp cận theo diện rộng, hẹp, trực tiếp hay gián tiếp hơn là bám vào quy định pháp luật như đề tài đưa ra.
Chương II của đề tài, các dữ liệu cần bóc tách nhỏ theo cấp thanh tra: TTCP, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.
Ngoài ra, ông Đức cũng đồng ý với việc đề xuất một hình thức thanh tra phù hợp vì cho rằng thanh tra đột xuất đã làm phá vỡ hết các hình thức thanh tra hiện nay...
Thanh Nhung